Khi phát triển thương hiệu, thông điệp của doanh nghiệp là một yếu tố không kém phần quan trọng. Tagline và Slogan chính là hai công cụ tiếp thị đã được nhiều doanh nghiệp kiểm chứng với khả năng quảng bá sản phẩm hiệu quả . Tuy nhiên, phần lớn người vẫn hiểu nhầm hai thuật ngữ này là một. Vậy Tagline và Slogan có gì khác nhau?
Tagline
Tagline là một thông điệp nhấn mạnh sứ mệnh, mục đích hoặc bản sắc đặc trưng của thương hiệu. Thông thường, Tagline cũng được xem là điểm khác biệt so với các doanh nghiệp khác. Một Tagline điển hình rất ngắn, có độ dài tối đa là 7 chữ, nó thường là một cụm từ ngắn gọn hoặc là thành ngữ gắn liền với logo thương hiệu.
Bạn sẽ bắt gặp chúng xuất hiện ở cuối quảng cáo sản phẩm hoặc video giới thiệu của doanh nghiệp. Tagline thường là cụm từ ngắn gọn, dễ nhớ, lặp đi lặp lại nhằm thu hút người xem và tạo ấn tượng khiến họ luôn nhớ tới nhãn hàng.
Điển hình như Tagline của các thương hiệu:
- “Imagine – Hãy tưởng tượng” – Tập đoàn công nghệ Samsung
- “Belong anywhere – Thoải mái ở bất cứ đâu” – Thương hiệu Airbnb

Slogan
Mặt khác, Slogan chỉ dùng cho 1 chiến dịch nhất định chứ không phải của cả thương hiệu. Slogan thường là một câu ngắn chứa đựng thông điệp về tính chất của thương hiệu hoặc thể hiện lời hứa về giá trị cốt lõi hoặc hướng phát triển của sản phẩm.
Để thông điệp trở nên dễ hiểu và dễ nhớ, các nhà tiếp thị thường áp dụng nhiều lối chơi chữ cho Slogan như điệp âm, từ ngữ có nghĩa mở rộng. Như vậy, các Slogan ngắn gọn, súc tích sẽ dễ dàng truyền tải thông điệp và lưu lại trong tâm trí khách hàng.
Lấy ví dụ về 2 trường hợp trên:
Tập đoàn Samsung
- Slogan cho sản phẩm Samsung Galaxy Note 8: “Smart doesn’t wait – Thông minh là không chờ đợi” so sánh các tính năng nổi bật của mình với đối thủ của mình – Apple.
- Slogan cho sản phẩm Samsung Galaxy S10: “The future unfolds ” (tạm dịch Mở cửa tương lai) hé lộ về chiếc smartphone có thể gập được đầu tiên của thương hiệu.

Thương hiệu Airbnb
- Slogan cho chiến dịch chống phân biệt chủng tộc năm 2017: “We Accept” (tạm dịch: Chấp nhận).
- Slogan cho chiến dịch “Until we all belong” ủng hộ hôn nhân đồng tính tại Úc năm 2017 đã tạo được sự lan tỏa trên toàn cầu.

Những điểm khác biệt giữa Tagline và Slogan
Khác với Tagline cô đọng mọi thứ từ công ty, các Slogan có phạm vi nhỏ hơn và chỉ tập trung nhiều vào một sản phẩm hay chiến lược của doanh nghiệp trên thị trường.
Tagline dành cho thương hiệu thường tồn tại trong thời gian dài trong khi Slogan chỉ kéo dài trong thời gian nhất định tùy thuộc vào sự thành công của một chiến dịch. Các thương hiệu sẽ thay đổi Slogan nhiều lần, tránh gây nhàm chán cho người xem.
Một ví dụ đơn giản là Disneyland:
Tagline của Disney là “The happiest place on Earth”
Theo từng giai đoạn phát triển, Disney có hàng loạt Slogan như:
- “Where dreams come true”
- “I’m going to Disneyland”
- “Where the magic began”
- “Happiest homecoming on Earth”

Hi vọng bài viết cùng những ví dụ trên sẽ giúp bạn phân biệt sự khác biệt giữa Tagline và Slogan. Chúc bạn thành công!
Tác giả: Thanh Vy