Chắc hẳn mục đích chung của các copywriter là không chỉ bán được sản phẩm mà còn mang đến nguồn cảm hứng cho người đọc. Và để làm được điều đó đòi hỏi bạn phải có kỹ năng viết tốt. Vậy làm thế nào khi kỹ năng viết của bạn còn hạn hẹp? Bài viết này sẽ giới thiệu 5 “bí kíp” hiệu quả dành cho người không giỏi viết giúp bạn “bắt đúng bệnh, bốc đúng thuốc”.
Quy trình là tất cả
Nếu content của bạn rất hấp dẫn nhưng lại không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng thì cũng trở nên vô ích. Cũng giống như việc khi người ta muốn mua con cá cần nắm những thông tin về một con cá ngon thì cho dù bạn có đem giới thiệu cho họ thịt bò wagyu loại 1 thì cũng không đem lại ích lợi gì.
“Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”
Chính vì vậy, bạn nên đánh trực tiếp vào insight khách hàng và lấy họ làm trung tâm. Có lẽ bạn hiện đang rất tò mò vậy làm sao biết được insight của khách hàng? Sau đây là quy trình chuẩn để giúp bạn đạt được mục đích:
1. Nghiên cứu khách hàng
Phân khúc khách hàng theo từng nhánh nhỏ dựa trên độ tuổi, sở thích, thói quen mua hàng,… sau đó chọn lọc khách hàng mục tiêu và tìm hiểu kĩ đặc điểm của họ.
2. Lên ý tưởng và phác thảo nội dung
Trước khi làm bất cứ việc gì bạn đều phải hiểu và nắm rõ bạn cần làm gì. Ở giai đoạn này bạn hãy áp dụng công thức viết AIDA (Attention, Interest, Desire, Action).
Đầu tiên để gây được sự chú ý của khách hàng đòi hỏi bạn phải có title hấp dẫn (Attention). Tiếp theo là làm cho người đọc hứng th (Interest) và khơi gợi mong muốn mua hàng của người tiêu dùng (Desire), cuối cùng dẫn đến hành động (Action).

3. Kiểm tra
Sau khi viết, bạn nên đọc đi đọc lại để đảm bảo không mắc lỗi nhỏ như câu văn lủng củng, lỗi sai chính tả hoặc dấu câu.
4. Hoàn thiện bài viết
Ở bước này, bạn nên nhờ nhiều người đọc bài viết của mình để nhận được những lời khuyên và góp ý khách quan. Nhận được lời nhận xét từ mọi người thì bạn sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm và bài viết của bạn sẽ trở nên hoàn thiện hơn.

Kết hợp chữ với hình ảnh, video
Hình ảnh và video có khả năng thu hút người tiêu dùng hơn so với chữ viết. Vậy nên, chúng ta thường bắt gặp xu hướng như viral videos (video lan truyền) hơn là cách hành văn thông thường.
Ví dụ: Điện Máy Xanh đã rất thành công khi sáng tạo ra giai điệu trong quảng cáo “Bạn muốn mua TV?”. Nó thu hút được rất nhiều sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng và trở thành trào lưu cover trong một khoảng thời gian dài.

“Lấy cắp” ý tưởng từ khách hàng
Chúng ta thường tìm kiếm các ý tưởng từ các tin tức, các xu hướng,…nhưng quên mất rằng chính khách hàng là nguồn ý tưởng rất hay ho và phong phú. Bạn cần đặt câu hỏi để khai thác được mong muốn của khách hàng rồi chế biến “nguyên liệu” đó thành ý tưởng của mình.
Cách này giúp những thông điệp trở nên gần gũi và dễ đi vào lòng người đọc hơn. Một cuộc khảo sát nhỏ từ những người trong phân khúc khách hàng mục tiêu sẽ là một nguồn thông tin cực kì giá trị.

“Bán giải pháp, không bán sản phẩm”
Sai lầm lớn nhất của copywriter là nói quá về sản phẩm của mình. Chúng ta có xu hướng kể về tính năng, quy trình sản xuất của sản phẩm tốt và chất lượng ra sao nhưng thực chất người đọc quan tâm nhất vẫn là lợi ích họ sẽ nhận được.
Bạn có thể tự hào về hiệu quả hay quy trình sản xuất đạt chuẩn của sản phẩm nhưng khách hàng chỉ muốn biết những mặt hàng đó tác động đến họ như thế nào. Vì vậy, bạn phải luôn luôn đặt mong muốn người tiêu dùng lên hàng đầu.

Viết, sai và viết tiếp
Không copywriter nào không phạm sai lầm trong khi viết nhưng quan trọng nhất là bạn tự nhìn nhận sai lầm đó và đưa ra phương án giải quyết. Điều này giúp bạn đối mặt với các tình huống phát sinh trong thực tế và rèn luyện sự nhạy bén trong việc xử lý vấn đề.
Thực tế, bạn không thể tạo ra “siêu phẩm” ngay từ lần đầu tiên cho nên việc thực hành là hết sức cần thiết. Và hơn hết bạn đừng trông chờ kỹ năng viết sẽ thay đổi vượt bậc chỉ trong một vài lần thực hành.
Mọi thành công đều cần thời gian và quá trình, bạn nên kiên nhẫn viết thường xuyên. Từ đó bạn sẽ rút ra được những kinh nghiệm bổ ích trong khi viết.
